Giỏ Hàng
0 Sản Phẩm - 0

Hé lộ bí mật tại Hoàng thành Thăng Long

 

Lần đầu tiên chúng ta đã phát hiện kiến trúc thời Lý tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và là kiến trúc chưa từng phát hiện tại Việt Nam. Trong đó gồm có: Dấu tích công trình nước rất lớn và dấu tích móng tường chạy song song với đường nước. Dấu tích công trình nước rộng 2 mét, cao 2 mét.

Trước những di tích phát lộ rất quý này, các nhà khảo cổ học và nhà quản lý đề xuất, cần bảo tồn cấp thiết để tránh sự xâm hại của tự nhiên bằng cách làm mái che phục vụ khách tham quan và công tác nghiên cứu; đồng thời kiến nghị được tiếp tục mở rộng đào thăm dò, thám sát để làm rõ hơn giá trị những công trình đã được phát hiện.

Các nhà khoa học nhận định, đây có thể là đường nước, là bể chứa nước, là giếng nước, là ao rồng, đường hầm hoặc kiến trúc mang tính tâm linh. Dấu tích này được xây bằng gạch vuông, gạch bìa, cọc gỗ chạy suốt chiều dài Đông-Tây. Dấu tích móng tường cũng rộng tới 1,6 mét.

Trước đây, dấu tích kiến trúc thời Lý mới phát hiện tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Việc phát hiện trên sẽ cung cấp các nhận thức mới về không gian của các Chính điện trong thành Thăng Long. Cũng tại hố khai quật rộng 500 m2 phía Bắc Đoan Môn, với địa tầng 4,2 mét, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện dấu tích kiến trúc thời Trần gồm: Dải trang trí hoa chanh nằm trên móng tường thời Lý; hệ thống cống thoát nước gồm hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc-Nam và Đông-Tây, nằm trên đường nước thời Lý và đổ trực tiếp xuống đường nước thời Lý; dấu tích móng trụ.

Dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ phát hiện tại đây gồm: Nền gạch vuông và gạch vồ. Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn có cống thoát nước dài 2 mét, rộng 1,1 mét gồm hai thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ. Từ những dấu tích được phát hiện, các nhà khảo cổ nhận định, vị trí trung tâm trên nằm đúng trục trung tâm tầng văn hóa Thăng Long-Hà Nội rất dày ở độ sâu từ 0,5 mét đến 4,2 mét gồm các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen lẫn nhau và chồng xếp lên nhau tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.